Tiềm năng, cơ hội và các khó khăn của ngành yến sào Việt Nam

Nội dung

5
(3)

Th.s Nguyễn Dũng
Phó Chủ tịch Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam,
Cố vấn chiến lược cấp cao Yến sào NestGia Việt Nam

Nước ta với lợi thế có 42/63 tỉnh thành có chim yến, điều kiện tự nhiên thuận lợi có môi trường nuôi yến tốt hơn Indonesia, Malaysia, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến. Năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp yến đã tăng 43% nhờ sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Năm 2024 được dự báo sẽ tăng thêm 15-20% nhờ sản phẩm chế biến sâu. Với việc đa dạng các sản phẩm từ yến, Việt Nam được dự báo sẽ có thêm mặt hàng tỷ đô khi đã có 8 trên tổng số 40 doanh nghiệp đăng ký được phép xuất khẩu các sản phẩm từ yến sang Trung Quốc. Yến cũng đã được xếp vào danh sách một trong 8 loại thực phẩm quý hiếm của Trung Quốc. Tiếp nối thành công xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2023, lô hàng yến sào Việt đầu tiên vừa đặt chân đến thị trường Pháp vào cuối tháng 4/2024, đánh dấu bước ngoặt mới cho sản phẩm yến sào và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt tại thị trường châu Âu.

Trước cơ hội thị trường rộng mở, Việt Nam đã đưa yến sào là một trong những sản phẩm chăn nuôi đặc biệt. Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển nghề yến. Với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã kết nối các đơn hàng xuất khẩu, tăng cường liên kết, đầu tư với người dân để phát triển đàn chim yến. Việc tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chí cao của thị trường là những vấn đề bức xúc đặt ra cho các ngành,các cấp hiện nay.

Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam. Cùng với phát triển nghề dẫn dụ chim yến, đầu tư xây dựng nhà yến qui mô lớn, việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Theo các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Kết quả này cho thấy, Trung Quốc là thị trường  tiềm năng cho Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc , tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển đưa lại nguồn lợi lớn từ xuất khẩu ngành hàng mới này.

Hiện nay, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở các nước Đông Nam Á gồm: Indonesia với 150.000 nhà yến, sản lượng tổ yến chiếm 60%; Thái Lan chiếm 20%, Malaysia chiếm 7%, 4 nước là Việt Nam, Philippines, Campuchia và Myanmar chiếm 13%. Mặc dù sản phẩm yến sào của nhiều nước đã được thương mại hóa, nhưng những thông tin về quy mô, sản lượng, quy trình nuôi và phương thức quản lý dường như vẫn chưa được các nước công khai vì nhiều lý do khác nhau.

Một số nước đã có tiêu chuẩn về chất lượng tổ yến như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Một số nước đã sản xuất theo chuỗi liên kết truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 sản lượng tổ yến đạt từ 200 đến 250 tấn vào năm 2025 và từ 350 đến 400 tấn vào năm 2030.

Những năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nếu như năm 2017, cả nước có hơn 8,3 nghìn nhà yến thì đến năm 2024 cả nước có hơn 23,6 nghìn nhà yến, tăng gần 2,8 lần. Trong đó, các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và Khánh Hòa tăng từ 6-10 lần. Và tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với khoảng 3 nghìn nhà yến; tiếp theo là Bình Định, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận và Bình Phước: Có từ 1,4-1,7 nghìn nhà yến.

Thống kê cho thấy, nghề nuôi yến phát triển nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 10,5 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng chiếm 44,7%; khu vực Nam Trung Bộ với hơn 4,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng chiếm gần 21%; vùng Đông Nam Bộ hơn 5,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng chiếm hơn 25%; Tây Nguyên hơn 1,9 nghìn nhà yến, dự kiến sản lượng chiếm 8,4%; các tỉnh phía bắc với khoảng 240 nhà yến, dự kiến sản lượng chiếm 0,9%. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên đã phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác kinh doanh.  Điều đáng mừng hầu hết Hội đồng Nhân dân các tỉnh đều đã có Nghị quyết về chủ trương, định hướng, chính sách và qui định khu vực phát triển nhà yến với nhiều giải pháp khác nhau để phá triển nghề mới này.

Ngày 5/1/ 2024 vừa qua, lô tổ Yến sào chất lượng cao đầu tiên của Công ty Hải Yến Nha Trang cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc được thông quan. Lô hàng đạt các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của các cơ quan chức năng và được công ty TNHH Thương mại Changhe (Thẩm Quyến) tiếp nhận theo đúng cam kết trong hợp đồng. Chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Đây chính là cơ hội cho ngành yến của Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu.

Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới, mang lại giá trị kinh tế cao, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản xuất yến sào xuất khẩu các sản phẩm yến sào sau chế biến đến thị trường tiềm năng, đông dân nhất thế giới này.

Dù được kỳ vọng mang lại doanh thu tỉ USD, nhưng ngành yến sào Việt Nam vẫn đang loay hoay trước bài toán xuất khẩu vì còn nhiều rào cản.

Với sức tiêu thụ khoảng 300 – 400 tấn/năm, chiếm 80% thị phần tiêu thụ toàn cầu, Trung Quốc đang trở thành “miền đất hứa” cho ngành yến sào của Việt Nam, khi nước này đã mở hạn ngạch cho ngành yến nước ta lên tới 100 tấn/năm. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2024, lượng yến xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 2 tấn, với giá trị thu về 2,3 triệu USD. Đây là con số quá thấp so với hạn ngạch mà Trung Quốc đưa ra cũng như nguồn nguyên liệu thu hoạch tổ yến của Việt Nam.

Nguyên nhân của khó khăn này thì ngoài vấn đề thị trường mới,  thì còn gặp khó trong thủ tục xin xác nhận nguồn gốc nguyên liệu. Mặc dù yến sào là sản phẩm của nông nghiệp, nhưng lại liên quan đến luật xây dựng khi xây dựng nhà yến. Hiện nay có hơn 90% nhà nuôi yến ở Việt Nam đang xây dựng không đúng theo quy định của Bộ Xây dựng. Trong khi đó các nhà yến này lại có nguồn cung ứng sản lượng lớn tổ yến phục vụ xuất khẩu. Mặc dù chính quyền địa phương cấp xã, huyện luôn hỗ trợ nhưng vì vướng luật xây dựng, nên hầu hết địa phương không dám xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, để hoàn thành hồ sơ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực trạng này gây nên không ít trăn trở, làm đau đầu các nhà quản lý ở địa phương, gây nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và làm giảm đáng kể hiệu quả đầu tư của người dân.

Theo Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi cho phép nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định có hiệu lực, nếu không phù hợp quy định về vùng nuôi chim yến thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới. Mặc dù Nghi định đã có nhưng một số địa phương, cơ quan chức năng vẫn đang dè dặt chưa phối hợp xác nhận nguồn gốc nguồn nguyên liệu, cấp mã định danh nhà yến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy cơ quan chức năng cần phổ biến quy định này đến các cấp chính quyền địa phương để cán bộ thực thi nhiệm vụ an tâm xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài vấn đề truy xuất nguồn gốc, thì hiện nay phần mềm về truy xuất nguồn gốc của nước ta và Trung Quốc chưa đồng nhất với nhau, dẫn tới thông tin hàng hóa Việt Nam khi cập nhật, nước bạn chưa đồng ý và yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần, mất nhiều thời gian. Phía bạn đòi hỏi một phần mềm truy xuất có đầy đủ và chi tiết về quy chuẩn nguồn gốc rất chi tiết từ địa chỉ nhà yến, vị trí tổ yến, thời gian  thu hoạch… Trong khi hiện nay phần mềm này ở nước ta vẫn đang tiếp tục cải tiến, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Việc cập nhật từng ngày, từng công đoạn cần được tập huấn, hướng dẫn đến người dân, cán bộ, doanh nghiệp tiến hành  thường xuyên việc nhập liệu, truy cập phần mềm này.

Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng hàng hóa xuất khẩu hiện nay chưa có cơ quan kiểm định (KCS) trung gian tiến hành tại nơi bán và kẹp chỉ dán tem kiểm định, chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp nhận hàng, nên khi doanh nghiệp bán hàng mặc dù đã test (kiểm tra) rất kỹ chất lượng, nhất là các quy định về thành phần mà đối tác đưa ra. Việc test này không dưới 2 lần/lô hàng, ngay từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào tới khi ra thành phẩm. Tuy nhiên qua Trung Quốc, nước bạn còn xét nghiệm một lần nữa. Điều này có nghĩa là kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp Việt đang chưa được Trung Quốc chấp nhận, và phải chờ vào kết quả từ nước bạn.

Việc không thống nhất về kết quả xét nghiệm đang gây trở ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu, bởi dù sao khiến cho doanh nghiệp Việt Nam dù có năng lực cung ứng lớn nhưng vẫn rất khó khăn.

Một điểm đáng chú ý khác là các điều khoản ký kết, trong nghị định thư nêu: Nếu phát hiện sản phẩm nhập vào nước bạn mà có chứa thành phần vượt tiêu chuẩn quy định hoặc nhiễm độc sẽ bị hủy bỏ và không hoàn trả. Chi tiết này gây nhiều rủi ro và bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, không loại trừ ban kiểm định đơn phương nếu gây khó khăn mà không có cơ quan trọng tài thì mất trắng toàn bộ lô hàng, dù ở Việt Nam lô hàng đó hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn. Vì vậy cần đàm phán với chính quyền Trung Quốc trong việc thống nhất quản lý, cơ quan kiểm định quốc tế để chống “độc quyền”. Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong kinh doanh, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.

Hiện nay theo các nghị định được ký kết giữa các nước khối ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp đang được tự do thông thường, nhưng khi tổ yến của nước ta xuất khẩu qua Thái Lan, Malaysia thì bị kiểm tra rất gắt gao. Trong khi đó, tổ yến của các nước khối ASEAN vào nước ta, nhất là bằng con đường tiểu ngạch vẫn chưa được quản lý chặt. Các sản phẩm không tem, nhãn với giá rất rẻ nhập lậu trà trộn vào sản phẩm yến của nước ta, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, uy tín ngành yến, và sự cạnh tranh của yến Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cơ hội Việt Nam về ngành tổ yến đang rộng mở. Tuy nhiên, thị trường lại đang bị ảnh hưởng bởi yến kém chất lượng được đưa vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch. Hiện giá yến tươi đạt từ 15 -17 triệu/kg, thấp hơn mức 5 năm trước là 30 triệu đồng. Giá yến tinh chế cao hơn ở mức 40 – 50 triệu đồng/kg. Đây là mức giá không cao nếu so với chất lượng và năng lực của Việt Nam.

Để kiểm soát tốt thị trường, bảo hộ hàng sản xuất trong nước, nâng cao giá bán tổ yến Việt, cần quản lý chặt nguồn gốc yến nhập khẩu. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, dán tem để cho người dùng phân biệt được yến Việt Nam và yến ngoại nhập cả về chất lượng cũng như giá trị, sớm tạo dựng được thương hiệu yến sào Việt Nam đạt chất lượng quốc tế để chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc và thế giới.

Có thể nói chưa có ngành nghề nào phát triển nhanh và bao phủ đến nhiều tỉnh thành như ngành yến. Đến nay, cả nước có 42/63 tỉnh nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam đã đạt gần 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Với điều kiện thuận lợi đó, Ngành yến Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết. Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam nhanh hơn.

Mức độ hữu ích của bài viết này như thế nào?

Nhấp vào một ngôi sao để xếp hạng!

Xếp hạng trung bình 5 / 5. Lượt xếp hạng: 3

Chưa có xếp hạng! Hãy là người đầu tiên xếp hạng bài viết này.

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shopping Basket